Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh (Viện Nghiên cứu Thủy sản 1) cho biết, đơn vị đã làm chủ được công nghệ ương nuôi giống cá trắng châu Âu (Coregonus lavaretus), một đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao.


Giống cá trắng Châu Âu mới được nhân nuôi thành công tại Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh

Theo đó, tỷ lệ nở của cá đạt >90%, tỷ lệ sống >80%. Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu công nghệ sinh sản nhân tạo sản xuất giống cá trắng tại Việt Nam, sau khi có kết quả sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ nuôi cho các cơ sở tại các vùng có khí hậu lạnh nhằm đa dạng hóa các đối tượng cá nước lạnh.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Hải – giám đốc viện nghiên cứu thủy sản 1, Dự án ICI (hỗ trợ từ Chính phủ Phần Lan) nâng cao năng lực nghiên cứu cá nước lạnh tại Việt Nam đã kết thúc và đạt được kết quả rất tốt, được phía Phần Lan đánh giá rất cao. Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh đang chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 của dự án (1/2014 – 12/2016) với nhiệm vụ chính là tiến hành chương trình chọn giống cá hồi vân tại Việt Nam. Dự án nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống cá tầm Siberia (Acipenser baerii), bước đầu đơn vị đã cho đẻ thành công cá tầm, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo góp phần chủ động trong việc sản xuất giống tại Việt Nam nhằm hạ giá thành sản phẩm đầu vào.

Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu các giống cá nước lạnh mới, có giá trị kinh tế cao, trước đó Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh đã thành công với rất nhiều dự án như: Dự án nhập công nghệ nuôi thương phẩm cá hồi vân tại vùng núi phía Bắc Việt Nam; Dự án nhập công nghệ sản xuất giống cá hồi vân tại Việt Nam; Nghiên cứu quy trình nuôi vỗ thành thục và kích thích sinh sản nhân tạo cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss) toàn cái. Hiện, giống cá hồi vân là đối tượng nuôi đã được làm chủ các công nghệ nuôi thương phẩm, sản xuất giống, hàng năm Trung tâm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu con giống cho các trang trại tại khu vực Sa Pa (Lào Cai) nói riêng và toàn miền Bắc nói chung với sản lượng trên 80 vạn con giống/năm.

Mục nhập này đã được đăng trong Blog. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *