Ý chí làm giàu đã thôi thúc anh Nguyễn Văn Mạnh, sinh năm 1957 ở xóm 4, xã Xuân Kiên (Xuân Trường – Nam Định) tìm ra hướng làm giàu mới để tăng thu nhập cho gia đình. Sau nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi cùng với những lần đi tham quan học hỏi, năm 1994, anh xây dựng mô hình nuôi cá sấu và đến nay đã gặt hái được nhiều thành công từ mô hình này.

1.Giới thiệu về anh Mạnh

Anh Mạnh sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, là gia đình thuần nông nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Năm 1973 anh lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, sau khi xuất ngũ, anh trở về quê hương và lập gia đình. Cuộc sống gia đình ban đầu vốn khó khăn, anh phải bôn ba, xoay sở nhiều nghề để kiếm sống. Anh Mạnh tâm sự: “ở nông thôn chỉ trông chờ vào mấy xào ruộng thì cuộc sống bấp bênh lắm, lao động cật lực cả ngày mà cuộc sống vẫn không đủ làm, phải lăm lội tìm thêm nghề phụ thì cuộc sống mới dư giả được”.

Năm 1994, nhân dịp vào Đồng Tháp thăm đồng đội chiến đấu năm xưa, anh được bạn đưa đi thăm một vài mô hình trang trại của Đồng bằng Sông Cửu Long. Qua tham quan, anh được bạn giới thiệu mô hình nuôi cá sấu là thích hợp nhất, anh nhận thấy đây là mô hình mới và phù hợp, vì cá sấu là loài dễ sống, vừa trên cạn, vừa sống dưới nước, thức ăn cũng đơn giản mà lại dễ kiếm, chi phí không nhiều, chỉ vài chục m2 ao được vây lưới sắt xung quanh là có thể chăn nuôi được.

2.Mô hình nuôi cá sấu của anh Mạnh

Mô hình nuôi

Cuối năm 1994, anh quyết định xây dựng lại khoảng 100m2 ao thả cá, anh đầu tư xây tường rào xung quanh bằng lưới sắt và hệ thống thoát nước …đồng thời, anh đã chủ động tìm đến Trung tâm nghiên cứu giống nuôi và phát triển cá sấu ở quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng và một số cơ sở chăn nuôi cá sấu ở Thái Bình thăm quan, học hỏi kinh nghiệm về chăm sóc và chăn nuôi cá sấu.

Cũng trong năm đó, với số vốn ít ỏi của gia đình tích góp được anh đã mạnh dạn xuống Long An mua về 30 con cá sấu giống để nuôi thử nghiệm trên diện tích ao của nhà. Với những kinh nghiệm học hỏi có được trong quá trình đi thăm quan, cùng với việc tích cực đọc sách, báo và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do các trung tâm nuôi các sấu của tỉnh tổ chức, vụ nuôi đầu tiên, trừ chi phí anh thu lãi hơn 50 triệu đồng. Anh vui vẻ chia sẻ “Nhờ chăn nuôi thuận lợi nên chỉ sau vài năm tôi đã xây dựng được ngôi nhà khang trang”.

Từ thành công và hiệu quả kinh tế do nuôi cá sấu mang lại, anh Mạnh đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển mô hình này. Năm 2005, anh đầu tư xây dựng lại chuồng trại, khu chuồng trại của anh được bố trí khá khoa học, với diện tích 100m2, có xây rào xung quanh bằng gạch và căng lưới thép. Bên trong chia làm 2 ngăn có rào chắn để nuôi riêng cá sấu lớn và nhỏ. Mỗi ngăn chuồng xây bằng xi măng, xung quanh trồng cây tạo bóng mát. Bên cạnh đó, nước thải và phân cá đều cho xuống bể tự hoại để giữ gìn vệ sinh chung. Sau khi xây dựng xong chuồng trại, anh tiếp tục đầu tư nuôi thêm 200 con cá sấu giống, với tổng kinh phí 100 triệu đồng nữa để cung cấp thịt cho thị trường.

Năm 2009, tổng số cá sấu trong chuồng trại của gia đình lớn nhỏ lên đến 500 con, nhưn trong đó có khoảng 150 cá sấu trung bình mỗi con 25kg, con to lên tới 30kg. Theo hạch toán của anh Mạnh, sau khi xuất chuồng, tổng trên 150 con với giá bán trung bình từ 120-150 nghìn đồng/kg sẽ cho thu nhập trên 300 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lãi 130 triệu đồng.

Kinh nghiệm nuôi cá sấu

Sau nhiều năm nuôi cá sấu, đã có nhiều kinh nghiệm, anh chia sẻ với chúng tôi: “Điều quan trọng của việc nuôi cá sấu là phải xây dựng chuồng trại kiên cố để tránh gây nguy hiểm cho người xung quanh. Cá sấu là loài rất dễ sống, dễ nuôi, thức ăn thường là lòng, phổi của lợn, bò, lòng gà vịt, cá, chuột… Phải cho cá sấu ăn thức ăn tươi, cắt thành các mảnh nhỏ, khi cho ăn đặt thức ăn lên các tấm ván hoặc các miếng tôn để dễ dàng quét dọn, di chuyển, hai ngày cho cá ăn một lần, lượng thức ăn tùy thuộc vào độ tuổi của cá”.

Anh còn chia sẻ thêm là cá sấu rất hiếm khi mắc bệnh, cứ cho ăn là lớn, chăn nuôi rất đơn giản, cá sấu có khác với các loài khác là loài động vật thích hợp ở nhiệt độ 25oC trở lên, nên trong tháng mùa đông, do thời tiết lạnh cá sấu rất ít nên bờ, ăn rất ít, chỉ ngâm mình dưới nước. Như vậy, người nông dân có thể dành nhiều thời gian để đầu tư vào công việc khác mà không phải bận tâm nhiều đến.

KL: Khi nuôi cá sấu không mất nhiều thời gian,công sức , kỹ thuật nuôi không khó, nguồn vốn đầu tư ban đầu không mất nhiều, nhu cầu thị trường ngày càng lớn, chắc chắn nghề nuôi cá sấu sẽ trở thành hướng làm giàu chính đáng.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ cá sấu có nhiều tiềm năng do thịt cá sấu được chế biến thành món ăn đặc sản mà nhiều người ưa thích. Ngoài ra, da cá sấu là nguyên liệu để phục vụ cho các ngành công nghiệp, cơ sở sản xuất như giày dép, ví da, dây lưng, túi xách….;xuất khẩu ra ngoài nước …

Mô hình làm giàu của anh Mạnh đã được nhiều người dân trong huyện, tỉnh và khu vực lân cận đến thăm và học hỏi kinh nghiệm. Đây là mô hình làm giàu cho lợi nhuận cao, là kết quả có được từ việc chăn nuôi có hiệu quả những năm qua. Tấm gương vươn lên làm giàu của anh Nguyễn Văn Mạnh xứng đáng để nhiều người học tập.

Hi vọng với bài viết này bà con nong dân cps thể có thêm một hướng đi mới giúp thoát được đói ,giảm được nghèo từ đó có thể giàu lên như tấm gương của anh Mạnh trong bài viết trên.


Mục nhập này đã được đăng trong Blog. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *