Những năm gần đây, khi các thị trường khác có biểu hiện bão hòa thì Trung Đông lại nổi lên như một thị trường mới đầy tiềm năng đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, nhất là cá tra.
Tiềm năng dồi dào
Khu vực Trung Đông bao gồm 16 quốc gia với diện tích hơn 7 triệu km2, dân số trên 380 triệu người. Đây là thị trường có sức mua lớn, nhu cầu cao về nhập khẩu hàng hóa. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh trao đổi thương mại tại Trung Đông.
Mặt khác, hầu hết các nước Trung Đông đều có nền nông nghiệp chưa phát triển, năng suất thấp… chưa đáp ứng được nhu cầu lương thực cho người dân. Do vậy, đây là thị trường nhiều tiềm năng cho hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam. Xu hướng dùng sản phẩm thủy sản thay thế thịt trong bữa ăn hàng ngày tại các nước Trung Đông cũng khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản (tôm, cá tra, cá ngừ hộp, cá thu hộp và cá khô…) ngày càng tăng.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông năm 2012 đạt hơn 4 tỷ USD; trong đó thủy sản đạt hơn 293 triệu USD, riêng cá tra chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.
Tổng cục Hải quan cho biết, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Đông năm 2012 đạt 185,9 triệu USD; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang Ả rập Xê út, tiếp đến là Ai Cập và có 5/16 nước trong khu vực này đạt giá trị nhập khẩu cá tra Việt Nam trên 10 triệu USD/năm.
Đã có uy tín
Theo VASEP, tại một số nước Trung Đông, Việt Nam vẫn luôn trong số 5 nước dẫn đầu xuất khẩu fillet cá đông lạnh. Tại Israel, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 4 với giá trị năm 2012 đạt 13,2 triệu USD, tăng 95% so năm 2011. Tại Li Băng, Việt Nam nhiều năm nay dẫn đầu xuất khẩu fillet cá đông lạnh, chiếm trên 75% tổng giá trị nhập khẩu cá tra của Li Băng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam luôn đứng thứ 3 trong 4 năm lại đây về xuất khẩu fillet cá đông lạnh; năm 2012 đạt 5,3 triệu USD, tăng 14% so năm 2011; thị phần fillet cá đông lạnh Việt Nam tại đây đã tăng đáng kể, năm 2008 chỉ chiếm 2% nhưng đến năm 2012 đã tới 20%.
Vài năm trở lại đây, cá tra Việt Nam bước đầu đã có ưu thế và uy tín với người tiêu dùng Trung Đông
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, vài năm trở lại đây hàng thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng bước đầu đã có ưu thế và uy tín đối với người tiêu dùng Trung Đông. Khối lượng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào nhiều nước Trung Đông đều tăng trưởng.
Trung Đông là thị trường tiềm năng, có khả năng thanh toán cao, nhu cầu lớn, nhưng khi xuất khẩu sang thị trường này doanh nghiệp cần lưu ý và xử lý thỏa đáng một số vấn đề trong giao thương, như: sự cách biệt về văn hóa, tín ngưỡng, thị hiếu thẩm mỹ, đặc biệt là phương thức thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở L/C (Letter of Credit: thanh toán tín dụng thư).
Đẩy mạnh liên kết
Năm 2008 xác định là năm trọng điểm trong quan hệ với Trung Đông, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Đông giai đoạn 2008 – 2015”. Cùng đó, Bộ Công thương cũng đã xây dựng chương trình hành động đẩy mạnh quan hệ với Trung Đông đến năm 2015. Đây là những bước đột phá quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Đông, như: tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thông tin sản phẩm đến khách hàng và doanh nghiệp tại thị trường bản địa; tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức các hội thảo doanh nghiệp hoặc tiếp xúc khách hàng trực tuyến giữa hai bên…
Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn giao thương sang khảo sát thị trường, tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng, các hệ thống nhập khẩu tại thị trường sở tại thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại một số thị trường khu vực để đưa hàng xuất khẩu xâm nhập có hiệu quả.