Mặc dù được đánh giá là siêu cường sản xuất và xuất khẩu thủy sản nhưng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn rất lớn bởi nhu cầu tiêu thụ cao. Tuy nhiên, để bền vững với thị trường này cần biết “cách chơi”.
Cơ hội cho thủy sản Việt Nam
Quan hệ hợp tác Việt – Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trong tất cả các ngành hàng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991. Những yếu tố đó đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Đặc biệt, từ khi Trung Quốc trở thành một trong 3 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2007, lợi thế ngành chế biến thủy sản nước này giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản (nhất là thủy sản cao cấp) không ngừng tăng đã tạo thuận lợi cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm 2012, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 6 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Trong đó, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch đạt 193,508 triệu USD, chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc; theo sau là chả cá và surimi (22,402 triệu USD, chiếm 7,9%) và nhuyễn thể chân đầu (16,631 triệu USD, chiếm 5,8%).
Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới
10 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 462 triệu USD, tăng 37% so cùng kỳ 2012. Với giá trị này, Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có thể đạt ít nhất 500 triệu USD.
Phải “chơi” đúng cách
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Trung Quốc là thị trường tiềm năng đối với thủy sản Việt Nam bởi yêu cầu không cao. Tuy nhiên, làm ăn với Trung Quốc phải biết “cách chơi”, trong đó, phần “sân nhà” cần tạo sự liên kết khăng khít giữa doanh nghiệp và nông dân.
Lâu nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không có hợp đồng. Hàng mang lên biên giới mới thỏa thuận, chấp nhận giá nào bán giá nấy, nên rủi ro khó tránh.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, nếu mối quan hệ giao thương chưa bền vững, chắc chắn sẽ có rủi ro. Những doanh nghiệp mua bán kiểu “tiền trao cháo múc” hay lấy hàng đổi hàng sẽ đỡ rủi ro hơn. Tuy nhiên, xuất tiểu ngạch là tạo điều kiện tiêu thụ, vì dễ tính, sức mua lớn, đỡ thuế quan. Do vậy, biên mậu qua tiểu ngạch phần nào cũng tốt về đầu ra cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng quan điểm, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, hạn chế lớn nhất hiện nay trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc là chủ yếu vẫn đang theo đường tiểu ngạch. Xuất khẩu tiểu ngạch sẽ không có sự ổn định về mặt thị trường, doanh nghiệp dễ gặp rủi ro trong thanh toán. Mặt khác, khi đi đường tiểu ngạch, chúng ta không tiếp cận được những khách hàng lớn ở Trung Quốc. Muốn tạo được thị trường ổn định và lâu dài thì phải xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, với đặc thù riêng thị trường Trung Quốc, chúng ta không thể đòi hỏi chỉ đi đường chính ngạch mà phải kết hợp cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch.
“Nếu khơi thông được đường xuất khẩu chính ngạch, giải quyết được những khó khăn, rủi ro trong khâu thanh toán…, 1 tỷ USD thì tôi chưa dám chắc nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đưa giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc lên mức 800 – 900 triệu USD/năm”