Triển vọng mô hình nuôi cá bằng bè trên biển Lý Sơn

Tận dụng nguồn nước biển tự nhiên quanh đảo, người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đóng bè nuôi tôm hùm, cá mú có giá trị thương phẩm và thu nhập cao. Mô hình mới này đã mang lại nhiều triển vọng nơi đất đảo.

Mô hình tự phát cho thu nhập cao

Những ngày cuối năm, nhiều đợt gió mùa đông bắc liên tiếp tràn về từ phương bắc khiến cho vùng biển quanh đảo Lý Sơn nổi sóng, hàng trăm ngư dân “nóng ruột” vì không thể cho tàu ra khơi phiên biển cuối năm kiếm tiền lo Tết, đón Xuân. Thế nhưng, ở khu vực quanh vũng neo đậu tàu thuyền An Hải, những chủ nhân của dàn bè lồng nuôi tôm hùm và cá mú lại rất phấn khởi.

Bè nuôi cá lồng của người dân huyện đảo.

Bè nuôi cá lồng của người dân huyện đảo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi tôm hùm bằng bè lồng là anh Phan Thanh Hiệp, xã An Vĩnh. Từ cảng neo trú tàu thuyền chỉ mất chừng 10 phút đi bằng thúng là chúng tôi có thể tiếp cận được các bè lồng nuôi cá, tôm của các hộ dân. Đang kiểm tra sức khỏe cho tôm anh Hiệp cho biết, lứa tôm hùm và cá mú đầu tiên xuất bán giữa năm 2012, trừ các khoản chi phí anh thu về gần 200 triệu đồng. “Ngày trước tôi đi bạn cho các chủ tàu cũng chỉ đủ ăn, thấy trên ti vi nói về mô hình nuôi cá nước ngọt bằng bè lồng ở các hồ và sông, nên tôi nghĩ không lẽ người ta nuôi cá nước ngọt được sao mình không nuôi trên biển được. Nghĩ là làm, tôi đầu tư gần 100 triệu đồng để đóng bè và mua con giống. Hiện tôi có 10 bè với số lượng gần 400 con tôm hùm và hơn 200 con cá mú. Nếu không có gì bất trắc xảy ra thì Tết năm nay sẽ rất vui”, anh Hiệp chia sẻ.

Cần nhân rộng

Theo thống kê, hiện khu vực biển quanh cảng neo đậu tàu thuyền An Hải, có 24 bè lồng nuôi tôm hùm và 6 bè lồng nuôi cá mú. Theo người dân nuôi tôm hùm cho biết, mỗi ngày cho tôm ăn hai lần vào buổi sáng và cuối giờ chiều. Thức ăn chủ yếu là cá tạp mà ngư dân Lý Sơn đánh bắt từ biển về. Bên cạnh đó, tôm hùm ăn tạp và ít kén chọn thức ăn, vì vậy không nhất thiết cho ăn cùng một loại cá nên rất thuận lợi.

“Ban đầu chúng tôi cũng chỉ nuôi theo kinh nghiệm tự có, sau đó nghe thông tin trên sách báo và mạng internet có dạy nên mày mò tìm hiểu. Ngoài việc nuôi và cho ăn thì cứ tới định kỳ là bổ sung thuốc bổ tổng hợp trộn vào trong thức ăn cho tôm để tôm vừa nhanh lớn vừa có sức đề kháng một số bệnh thường mắc phải như: Đen mang, đốm trắng trên vỏ, đỏ thân, trắng râu… Đồng thời, thường xuyên lặn kiểm tra để xác định thức ăn thừa hay thiếu, tình trạng sức khoẻ của tôm, định kỳ 3 ngày vệ sinh và kiểm tra lồng nuôi để kịp thời sửa chữa. Nếu không chăm sóc kỹ thì dễ mất trắng như chơi”, anh Hiệp cho biết.

Ông Bùi Trường Xuân – cán bộ phụ trách thủy sản xã An Hải, cho rằng: “Mô hình này chủ yếu là tự phát của bà con nhân dân ở đây chứ địa phương chưa có thử nghiệm đề tài này. Nhưng với giá thành của tôm hùm dao động từ 1,2 -1,5 triệu đồng/kg và cá mú 150-170 nghìn đồng/kg cho thấy đây là một nguồn thu không nhỏ và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, để mô hình này được triển khai trên diện rộng, cần phải có sự vào cuộc của Trung tâm khuyến ngư hướng dẫn hỗ trợ về kỹ thuật, cũng như phương pháp chăm sóc để mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao hơn”.

Theo người dân nuôi tôm hùm và cá mú thì việc đầu tư để thả nuôi khá tốn kém. Trong đó chi phí đóng bè lồng và cá giống khá đắt đỏ. Nên dù là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng nhiều người dân vẫn không thể thực hiện được do không có đủ tiền đầu tư.

Ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, mô hình nuôi tôm hùm, cá mú bằng bè lồng cho thu nhập cao là một mô hình mới, rất khả dụng có thể triển khai nhân rộng được bởi điều kiện tự nhiên ở đây thuận lợi. “Trong thời gian tới, huyện sẽ có những định hướng để chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân về kỹ thuật và tài chính để mở rộng mô hình theo hướng bền vững. Đây sẽ là bước đệm cho định hướng phát triển ngành thủy sản huyện nhà”, ông Nguyên tâm sự.

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

Mục nhập này đã được đăng trong Blog. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *