Bạn đang xem bài viết Cá Dĩa – Đặc điểm chung và những điều cần lưu ý khi nuôi cá Dĩa tại Mua Bán Thuỷ Sản bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Cá Dĩa được xem là vua của hồ cá, là loài cá cảnh nước ngọt với vẻ ngoài rất là xinh đẹp với nhiều màu sắc. Nhiều người nuôi cá kinh nghiệm khi đề cập về cá Dĩa thường hay than phiền rằng chúng rất khó nuôi, thậm chí sinh sản còn khó hơn, chúng đòi hỏi những điều kiện nuôi dưỡng đặc biệt và hoàn toàn không đáng để cố gắng. Để hiểu rỏ hơn về vấn đề này, mời các bạn hãy cùng theo dõi trong bài viết dưới đấy nhé.
Đặc điểm chung của cá Dĩa
Nguồn gốc và phân loại cá Dĩa
Cá Dĩa xuất xứ từ Nam Mỹ, dòng sông Amazon là dòng sông quê hương nổi tiếng của các dòng cá cảnh nước ngọt.
Theo Schultz (1960) cá Dĩa được phân loại như sau:
- Cá Dĩa đỏ (Symphysodon discus): Cơ thể có các vây lưng, hậu môn có màu đỏ nâu. Chiều dài cá trưởng thành khoảng 15 – 20cm.
- Cá Dĩa xanh lá cây (Symphysodon aequifasciata aequifasciata): Thân có màu xanh lục, các sọc có màu nâu đậm hơn màu trên thân. Cá Dĩa xanh lá cây thuộc loài quý hiếm.
- Cá Dĩa xanh da trời (Symphysodon aequifasciata haraldi): Cá Dĩa xanh da trời còn được gọi là cá Dĩa nâu đỏ, thân có màu đỏ hoặc nâu đỏ, các sọc có màu xanh sáng. Chiều dài cá trưởng thành từ 12 cm trở lên.
- Cá Dĩa xám (Symphysodon aequifasciata axelrodi): Thân có màu xám, các sọc trên cơ thể và vây có màu xanh da trời. Các vằn dọc chỉ có ở vây lưng, trán và vây hậu môn. Chiều dài cá trưởng thành khoảng 14 cm.
Đặc điểm hình thái
Cá Dĩa có hình dĩa tròn, dẹp ngang, màu sắc rất đa dạng với rất nhiều đốm và hoa văn trên cơ thể ( Đoàn Khắc Bộ, 2007; Nguyễn Thị Thanh Hiền, 1993). Đầu ngắn, mắt khá lớn và linh động. Các vi phát triển, vi ngực và vi đuôi là những tia vi mềm. Đường bên không hoàn toàn, đường bên phía trên từ nắp mang đến giữa thân, đường bên phía dưới từ giữa thân đến cuống đuôi. Trên thân có nhiều sọc đứng, tùy theo loài mà các sọc này có số lượng và độ đậm nhạt khác nhau.
Đặc điểm phân bố
Cá Dĩa có phân bố tự nhiên ở vùng Amazon (Nam Mỹ), nơi có nhiệt độ nước trung bình từ 28 – 30 độ C và độ pH thấp khoảng 6,4, ngoài ra còn một số loài có thể sống ở mức pH khoảng 4 (Nguyễn Minh ,1998 và Đoàn Khắc Bộ, 2007). Cá dĩa được đưa vào nuôi đầu tiên ở Mỹ vào những thập niên 50 của thế kỹ 19. Sau đó lan dần sang các nước châu Á như Hông Kông, Đài Loan, Singapor, Thái Lan…
Đặc điểm sinh trưởng
So với một số loài cá khác, thời gian phát triển phôi của cá Dĩa thì khá dài. Tính từ lúc cá mẹ vừa đẻ trứng, thì khoảng 60 giờ ở nhiệt độ 30 độ C và 65 – 72 giờ ở nhiệt độ 26 – 28 độ C thì cá nở (Đoàn Khắc Bộ, 2007). Cá bột mới nở có kích thước khoảng 1,2 – 2 mm. Sau 5 – 6 tuần tuổi cá có chiều dài khoảng 2,4 – 2,5cm và cá từ 5 – 6 tháng tuổi trở lên thì màu sắc trên cơ thể mới hiển thị đầy đủ. Theo một số nghệ nhân ở thành phố Hồ Chí Minh cá Dĩa có thể tuổi thọ trung bình khoảng 8 năm, nhưng có một số con cũng có thể sống từ 12 – 13 năm.
Đặc điểm dinh dưỡng
Cá Dĩa có dạ dày đặc biệt, phân nhánh và có vách dày. Ruột cá dĩa tương đối ngắn, miệng nhỏ và răng hàm gồm một hàng những gai nhỏ hình chóp. Từ những đặc điểm trên, có thể nhận định cá Dĩa là loài cá ăn động vật (Nguyễn Thị Thanh Hiền, 1993 ).
Sau khi nở cá con sẽ bám và ăn các chất nhờn trên cơ thể cá bố mẹ. Giai đoạn này kéo dài từ 12 – 14 ngày (Đoàn Khắc Bộ,2007). Lúc này cá con ăn được các thức ăn tự nhiên như Artermia, Moina, Daphnia. Cá từ 3 tuần tuổi trở lên có thể ăn được các loại thức ăn như trùn chỉ, tim bò, lăng quăng, ròng ròng (Thomas A. Giovanetti 1991, Nguyễn Minh 1998, Đoàn Khắc Bộ 2007).
Thức ăn cho cá Dĩa cần phải được thay đổi thường xuyên, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sinh trưởng và sự lên màu của cá vì màu sắc của cá Dĩa phụ thuộc rất nhiều vào thức ăn và môi trường nuôi (Bùi Minh Tâm 2008).
Ngoài các loại thức ăn trên, trong quá trình nuôi cũng cần bổ sung thêm các loài vitamin như vitamin A, D,… Nếu thiếu các loại vitamin này cá có thể bị một số bệnh như kém ăn, chậm phát triển, màu sắc nhợt nhạt, xương bị giòn và mang bị biến dạng.
Đặc điểm sinh sản
Tuổi thành thục của cá Dĩa là khoảng 10 – 12 tháng (Bùi Minh Tâm 2008, Đoàn Khắc Bộ 2007). Trong thời kỳ phát dục cá có màu sắc rất sặc sỡ. cá mái thường hung hăng hơn cá trống và hay cắn vào cá trống để báo hiệu đã sẵn sàng cho việc sinh sản. Đôi khi cả hai con bơi sát vào nhau, đầu hướng lên trên, thỉnh thoảng giật đuôi về đối phương.
Đối với cá Dĩa không có đặc điểm nào đáng tin cậy trong việc phân biệt đực cái. Chỉ đến giai đoạn sinh sản mới có thể phân biệt được giới tính dựa trên hình dạng của gai sinh dục. Gai sinh dục của cá đực thì ngắn và nhọn hơn, trong khi cá mái thì dài và cùn hơn (Nguyễn Minh 1998). Ngoài ra cũng có thể phân biệt dựa vào một số đặc điểm như cá đực thường có có hình dáng to, đầu hơi gù, vây bụng xệ xuống, dưới bụng vùng giáp vây lõm vào trông rất rõ. Cá cái thường nhỏ hơn cá đực, đầu thẳng, phần bụng phía sau vây dưới thẳng theo chiều cong của toàn bộ bụng cá (Bùi Minh Tâm 2008).
Trước khi đẻ vài ngày, cá có hiện tường rùng mình, rung toàn thân, xếp vây lại, đôi lúc đứng yên tại chỗ, ít bắt mồi. Cá cái đẻ theo chiều dọc của giá thể, cá đực cũng theo hướng đó tiết tinh thụ tinh cho trứng. Trong tự nhiên, giá thể cho cá đẻ có thể là thực vật thủy sinh có lá to, hoặc những tảng đá ở tầng đáy.
Sức sinh sản của cá Dĩa khoảng 200 – 800 trứng tùy theo độ tuổi. Đối với lần sinh sản đầu tiên, cá Dĩa thường chỉ đẻ khoảng 150 – 200 trứng và khả năng giữ con cũng rất kém. Cá Dĩa có thể sinh sản quanh năm nhưng vào mùa lạnh thì đẻ ít hơn.
Thời gian tái phát dục của cá phụ thuộc nhiều vào thức ăn, sự chăm sóc và sức khỏe của cá bố mẹ. Có khi vài ngày là cá có thể sinh sản trở lại, nhưng có khi kéo dài một tháng hoặc hơn. Ngoài ra thời gian cá con bám trên cơ thể cũng ảnh hưởng đến thời gian tái phát dục của cá bố mẹ (Bùi Minh Tâm 2008, Đoàn Khắc Bộ 2007).
Nuôi cá Dĩa có dễ không
Cá Dĩa là loại cá cảnh khó nuôi nhất trong các loại cá cảnh nước ngọt nhiệt đới bởi vì cá Dĩa có rất nhiều điểm khác biệt về nhu cầu sinh thái, đặc điểm sinh học so với họ hàng cá Rô phi của chúng nói riêng và các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới nói chung. Do đó trong điều kiện nuôi, cần chú ý 2 đặc điểm sau:
Thứ nhất: cá Dĩa là loài cá nhạy cảm nhất, đặc biệt nhạy cảm với:
- Tiếng ồn, chấn động nhẹ, ánh sáng mạnh
- Các thay đổi của môi trường: nhiệt độ, độ pH, độ cứng của nước. Biên độ thích nghi với các yếu tố này của cá Dĩa rất thấp.
- Các tác nhân làm phiền khác, cá Dĩa dể bị stress khi bị quấy rối bởi các loài cá năng động sống chung.
- Các tác nhân gây bệnh (nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virut)
Thứ hai: cá Dĩa đòi hỏi rất cao về chất lượng nước: Chính vì thế và cũng theo kinh nghiệm từ các nghệ nhân nuôi cá Dĩa: “cá Đĩa chỉ khó nuôi hơn các loại cá cảnh khác khi chúng ta không cung cấp cho chúng môi trường sống phù hợp”
Môi trường nuôi cá Dĩa
Nhiệt độ
1. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sức khỏe của cá
- Nhiệt độ cơ thể cá thay đổi theo nhiệt độ môi trường (đây là đặc điểm khác với các động vật máu nóng trên cạn).
- Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình sinh hóa trong cơ thể cá. Sự thay đổi nhiệt độ quá lớn và đột ngột sẽ làm rối loạn các quá trình sinh hoá trong cơ thể và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cá.
2. Nhiệt độ thích hợp cho cá
- Cá trưởng thành, cá sinh sản: 26 – 28 độ C
- Cá con (mới nở đến 5 – 6 cm): 28 – 30 dộ C
3. Quản lý nhiệt độ
- Bể nuôi đặt trong phòng có nhiệt độ tương đối ổn định (tránh gió lùa, lợp tole hấp thu nhiệt).
- Dùng sưởi để kiểm soát nhiệt độ trong hồ (đối với cá con hay vào mùa lạnh)
Độ pH
1. Ảnh hưởng của độ pH
- Độ pH ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá khi có sự thay đổi đột ngột, cá có thể bị stress hay bị chết.
- Tuy nhiên ảnh hưởng quan trọng hơn là ảnh hưởng gián tiếp của pH thông qua môi trường nước. Độ pH ảnh hưởng đến nồng độ hoà tan các muối dinh dưỡng, đến độ cứng của nước, thành phần các độc tố. Cụ thể như khi độ pH càng cao, hàm lượng ammonia dạng không phân ly (NH3) càng nhiều và rất có hại cho cá, ngược lại khi pH càng giảm thì độc tính của khí sulfurhydro (H2S) càng tăng.
2. Khoảng pH thích hợp cho cá Dĩa
- Cá sinh sản: 6 – 6.2
- Cá con: 6.5 – 6.8
- Cá trưởng thành: 6 – 6.8
3. Quản lý độ pH
- Tăng độ pH.
- Tăng cường sục khí trong hồ hay bể chứa nước có ánh sáng, tăng cường quang hợp, giảm nồng độ CO2, tăng độ pH.
- Dùng nước vôi trong đã pha sẳn để trung hòa
- Giảm độ pH
- Dùng axit phosphoric (H3PO4) hay axit citric (giấm).
- Lọc sinh học cũng giúp giảm độ pH nước.
Độ cứng
1. Ảnh hưởng của độ cứng
- Độ cứng của nước ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu của cá. Mỗi loài cá thích nghi với độ cứng khác nhau và khả năng thích ứng với sự biến đổi độ cứng cũng khác nhau.
- Độ cứng của nước cũng ảnh hưởng đến hàm lượng Canxi (Ca) trong máu cá.
- Ngoài ra, độ cứng còn ảnh hưởng đến quá trình nở của trứng.
2. Độ cứng của nước phù hợp cho cá Dĩa
- Cá sinh sản : 3 – 10 odH, tốt nhất : 5 – 6 odH (1odH = 17,9 mg CaCO3/L)
- Cá con (< 4 tuần tuổi) : 8 – 10 odH – Cá > 4 tuần tuổi : 8 – 15 odH
3. Kiểm soát độ cứng của nước
- Nhu cầu về độ cứng của nước đối với cá Dĩa rất thấp, vì thế trong kỹ thuật nuôi, thường phải điều chỉnh theo khuynh hướng giảm độ cứng.
- Các phương pháp giảm độ cứng của nước (chủ yếu dựa trên nguyên tắc trao đổi ion Ca 2+)
- Trao đổi ion bằng hạt nhựa,
- Lọc sinh học,
- Có thể dùng chất chiết xuất từ than bùn (than bùn có khả năng hấp thụ Ca 2+ và giải phóng nguyên tử H+).
Một số độc tố cần lưu ý
- Chlorine hay chloramine
- Đây là một loại hoá chất dùng khử trùng nước, thường có trong nguồn nước thủy cục (nước do nhà máy nước cung cấp),
- Rất độc đối với cá (tác động trực tiếp đến quá trình trao đổi ion trong điều hòa áp suất thẩm thấu của cá).
- Để loại bỏ tác hại do chlorine trong nước chỉ cần sục khí liên tục ít nhất 48 giờ
- Để kiểm tra nước còn chlorine không, dùng Orthotolidin 1% : nhỏ 1 – 2 giọt orthotolidin vào 10 – 20 lít nước, nếu nước có màu vàng là còn chlorine và ngược lại.
- Amonia (N-NH3), nitrite (NO2), nitrate (NO3- ) và sulfurhydro (H2S)
Các chất trên đều là các chất độc hại đối với cá, là sản phẩm phân hủy các chất hữu cơ có trong nước (từ thức ăn dư thừa, sản phẩm bài tiết của cá). Để đề phòng sự hình thành các chất độc hại này, cần tăng cường hàm lượng oxy hoà tan trong nước để thúc đẩy quá trình phân hủy hiếu khí của các vi sinh vật chuyển hoá các chất độc hại thành các chất vô hại hay ít có hại hơn. Ngoài ra quá trình sục khí cũng tăng cường giải phóng các khí độc ra khỏi môi trường nước.
Kinh nghiệm nuôi cá Dĩa
Chúng ta đều biết, cá đĩa sống dưới những thân cây, hốc đá vừa tối tăm, vừa yên tĩnh ở vùng sông Amazon, Nam mỹ, dưới độ sâu từ 50 cm đến 1m. Cho nên, khi nuôi cá đĩa cảnh ta cũng cần chú ý nuôi chúng trong bể rộng và có chiều sâu từ khoảng 70 cm là vừa. Bể nuôi cá đĩa phải được đặt ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại. Vì rằng, cá đĩa là loài dạn dĩ, bơi lội nhẹ nhàng, nhưng khi bị khiếp sợ thì chúng trở nên dữ tợn, rượt đuổi cắn mổ nhau, nếu đang nuôi con thì chúng sẽ ăn hết sạch lũ con không hề thương tiếc.
Nước nuôi cá đĩa cần đảm bảo độ PH thích hợp từ 6 đến 6,5. Cứ 100 lít nước ta cho thêm mấy thìa muối ăn. Trong bể, ta nên trang trí những vật liệu như hốc đá, gốc cây cho phù hợp với môi trường tự nhiên của cá đĩa. Đặc biệt, đáy bể không nuôi cá đĩa không nên để không mà ta nên phủ một lớp cát thô (hột to) dày khoảng 5 cm. Việc làm này là để chiều theo thói quen của chúng. Cá đĩa có cách kiếm ăn kỳ lạ là thích lợn lờ bên trên lớp cát rồi thổi tung cát lên, tìm thức ăn bên dưới.
Nhiệt độ thích hợp để nuôi cá đĩa là 30 độ C. Tốt nhất là bể nuôi cá đĩa phải trang bị máy sưởi đề phòng nhiệt độ xuống thấp.
Về ánh sáng, cá đĩa rất cần ánh sáng, tuy nhiên đây là ánh sáng bình thường, nhẹ và không nên chiếu sáng khắp bể. Vì ngoài thiên nhiên, cá đĩa thích vùng bóng râm nhưng không phải tăm tối cả ngày. Thỉnh thoảng vẫn cần ánh sáng mặt trời.
Thức ăn của cá đĩa: Cá đĩa ăn uống dễ dàng. Sống ngoài thiên nhiên, chúng ăn động vật giáp xác. Nuôi trong bể kính ta có thể cho ăn tôm, thịt bò, gan bò xay nhuyễn hoặc các loại thức ăn khô có sẵn trên thị trường đặc chế cho cá đĩa.
Nuôi cá Dĩa hiện nay có 3 cách sau:
Cách 1: Nuôi theo cách lười biếng, không lọc, không thay nước, cứ để nhớp đến khi không thấy cá nữa thì bắt buộc nên thay nước. Việc làm này quan trọng là phải làm từ từ, để cá làm quen dần dần, tự nó sẽ tạo một phản xạ để thích nghi với môi trường làm biếng của các bác. Chắc chắn là cá vẫn sống khỏe đấy.(Nhiệt độ bắt buộc phải 27 độ trở lên)
Cách 2: Nuôi một cách đúng đắn : có lọc, có sưởi, có sục khí, có thay nước. Không nói cũng biết cá đang ở môi trường tốt nhất rồi. Thức ăn gồm: thịt bò xay nhuyễn, trộn với các loại Vitamin đặc biệt là nhóm B, trộn với trứng tôm (bán ở các xí nghiệp chế biến thủy sản – nếu có điều kiện thì cho thỉnh thoảng thôi) sau đó để vào tủ lạnh cho cá ăn dần dần.
Cách 3: Nuôi theo cách chuyên nghiệp : đặc biệt cá ăn nhiều mau lớn. Cách làm như sau : Gồm một hồ xử lý nước, mỗi ngày phải thay 90-100% nước mới , việc cho ăn thì như trên, cá ăn rất nhiều vì mỗi lần thay nước là mỗi lần cho một liều doping rồi đấy.
Các bệnh thường gặp ở cá Dĩa và cách phòng trị
Bệnh đục mắt
Triệu chứng: Mắt có màn trắng đục, có thể bị sưng mắt nếu để lâu không trị dể dẫn đến mù mắt.
Cách trị :
- Ra tiệm thuốc Tây mua 1 vỹ Tetraciline 500mg (3000đ/ vỹ), pha 2 viên (hồ 6 tấc) vào tách nước, khuấy đều rồi đổ vào hồ.
- Cắm sưởi ở 33~35 độ.
- Cho vào 01 chén nhỏ muối hột.
- Tắt lọc, tắt oxy (vì tránh tạo bọt trên mặt hồ).
- Sau 24 giờ thay 1/2 nước, cho thêm một viên + ít muối.
- Sau 24 giờ nữa thì thay 1/2 nước, cho ít muối. Nếu thấy cá đỡ hơn thì khỏi cho thêm thêm thuốc, ngược lại thì cho thêm 1 viên nữa.
Bệnh nấm trắng
Triệu chứng: Có màn trắng trên thân, cá đen người, hay tụ 1 góc hồ và ít hoạt động.
Cách trị:Hiện có rất nhiều cách trị nấm, nhưng mình xin nêu 2 cách đơn giản và thông dụng nhất.
- Cách trị bằng muối đậm đặc: . Bạn chuẩn bị 1 thau nước và 1 chén nước muối ( muối ăn nha )thật đặc . Bắt cá bệnh ra thau , sau đó bạn cầm cá trên tay và thấm nước muối tha vào chỗ nào bị đốm trắng , tha tha vài lần rồi thả cá vào hồ trở lại . Chú ý là vuốt xuôi theo mình cá nha , đừng để cho nước muối vào mang cá và mắt cá nha ( nó chết á ) . Bạn nên mua muối hột ở tiệm cá về rải hàng tuần để tránh bệnh đốm trắng cho cá . Tốt nhất bạn nên thay hết nước của hồ cá bệnh ( thay hết luôn chứ ko phải 1/2 hay 1/3 đâu vì như thế sẽ còn mầm bệnh trong nước. Trong hồ luôn luôn sưởi 32 – 33độ C nhé.
- Cách trị bằng thuốc nâu: 1 viên dùng cho 20 lít, ngâm 48 tiếng sau đó thay 1/3 nước, ngày tiếp theo thay 1/2 nước rồi thay hết nước vào ngày kế tiếp. Kèm theo phải luôn luôn sưởi 30 – 33 độ C.
Lưu ý : Có một cách điều trị nhanh và hiệu quả là tắm cá trong các dung dịch sát khuẩn và nấm. Do nồng độ thuốc trong dung dịch cao nên cá thường không sống lâu được trong dung dịch này, thời gian tắm khoảng từ 15 phút đến hơn 1 tiếng. Trong quá trình tắm phải theo dõi hoạt động của cá liên tục để vớt ra kịp thời, tùy theo loại dung dịch mà sau khi vớt cá ra môi trường nước mới các bào tử nấm có thể chết ngay hoặc suy yếu đần, có thể tróc ra ngay từng mảng hoặc vẫn còn bám trên mình cá nhưng teo dần và được loại thải sau vài ngày. Ưu điểm của phương pháp tắm là nhanh, ít tốn thuốc, sau khi tắm xong cá được sống trong môi trường nước mới nên có thể cho ăn, thay và quản lý chất lượng nước dễ dàng, nhưng cũng khá nguy hiểm nếu quá liều hoặc quá thời gian chịu đụng của cá. Một số dung dịch người ta thường dùng là Malachite green, Formalin, thuốc tím, muối ăn, CuSO4..vv. Hiệu quả và nồng độ của mỗi dung dịch tùy thuộc vào từng loại cá và độ tuổi. Về phần điều trị bằng phương pháp tắm rất đễ gây chết cá nên xin được trao đổi với các bạn ở một chuyên mục khác.
Bệnh ký sinh trùng
Triệu chứng: gây ngứa, khó chịu, cá thường giật giật các vây, hay cọ sát vào các vật cứng trong bể như thành hồ những nơi có thể bề mặt nhám và nguy hiểm hơn dể dẫn đến loét, trầy thân cá.
Cách trị: Đơn giản mà hiệu quả. Bỏ muối 400 – 500gm/100lít nước ( bỏ vào từ từ hay bỏ vào hộp lọc ), tăng nhiệt độ lên 32 – 33độC
Bệnh loét thân, đục thân
Triệu chứng: Loét 1 mục nhỏ ngay thân và từ từ lang rộng ra cho đến chết. Bệnh này rất nguy hiểm và khó cứu nếu không chữa trị kịp thời.
Cách trị: dùng MEGYNA ( thuốc đặt của chị em, có bán ngoài tiệm thuốc tây )
- Thuốc: 1 viên/ 60lít và nâng nhiệt độ lên 32 độ C.
- Muối: 200gm/ 100lít
- Ngày hút đáy 1-2 lần (không cần bắt riêng cá ra). 2 ngày thay 1/3 nước rồi thêm 1 viên thuốc nữa.
( Lưu ý rằng trong những ngày này cá bỏ ăn, khoảng 1 tuần sau cá mới bắt đầu ăn lại phải trị bệnh loét chúng ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi, nếu đánh thuốc tùm lum cá sẽ chết ngay)
Sình bụng
Triệu chứng:Cá bỏ ăn, bụng to, có khi đi phân trắng
Cách trị 1: Dùng men tiêu hóa BIO FISH và làm theo hướng dẫn trên bao bì ( có bán ngoài tiệm cá ), nhiệt độ nâng lên 32 – 33 độ, khoảng 3 ngày sau cho cá ăn tý lăng quăng ( vì lăng quăng dễ tiêu hóa hơn các loại thức ăn khác).
Cách trị 2: Dùng Metronidazol ( có bán ngoài tiệm thuốc tây, vỉ có 1 mặt vàng, 1 mặt đỏ ). Liều dùng : 1 viên/ 20lít nước ngâm 2 ngày sau đó hút bớt nữa hồ châm nước mới vào và cho thuốc vào bằng với lượng nước vừa hút ra. Nhiệt độ 32 – 33độC. Trong lúc trị bệnh không nên cho cá ăn và tập ăn lại sau 3 ngày trị bệnh.
Bệnh đóng nấp mang
Triệu chứng: Do hồ nước ô nhiễm, môi trường nước xấu. Cá chỉ thở 1 bên mang, mang còn lại không hoạt động.
Cách trị: Cải thiện lại môi trường nước, thường xuyên súc rửa hồ. Tăng nhiệt độ lên 30 – 31 độ.
Trên đây BaoKhuyenNong đã chia sẻ đến các bạn đọc tất cả các thông tin liên quan đến cá Dĩa. Hy vọng qua những thông tin về đặc điểm chung và những điều lưu ý khi nuôi cá Dĩa cũng như những kinh nghiệm nuôi cá Dĩa mà bạn nên biết. Qua đó các bạn sẽ hiểu rỏ hơn về loài cá này và chăm sóc chúng thật tốt nhé.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Cá Dĩa – Đặc điểm chung và những điều cần lưu ý khi nuôi cá Dĩa tại Mua Bán Thuỷ Sản bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.