Thực hiện đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống cá rầm xanh, anh vũ bằng phương pháp sinh sản nhân tạo tại Tuyên Quang”. Từ năm 2013 đến nay Trung tâm Tư vấn, thiết kế và chuyển giao Công nghệ thủy sản thuộc viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Thủy sản Tuyên Quang đã nghiên cứu cho cá đẻ thành công 8 đợt sinh sản bằng phương pháp nhân tạo, thu được gần 3.000 cá giống mở triển vọng mới cho phát triển cá đặc sản ở Tuyên Quang.
Để thực hiện thành công đề tài, từ năm 2013 đến nay Trung tâm Tư vấn, thiết kế và chuyển giao công nghệ thủy sản, thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức 11 đợt khảo sát và thu gom cá rầm xanh, anh vũ sinh sống tự nhiên trên các sông tại tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Cao Bằng, để chăm sóc nuôi dưỡng thuần hóa. Kết quả thuần dưỡng đàn cá bố mẹ tỷ lệ sống đối với cá rầm xanh đạt 74%, cá anh vũ đạt 89% và đã chuyển giao cho Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang và Hợp tác xã Quý Long, xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang nuôi dưỡng 174 cá anh vũ, 35 cá rầm xanh bố mẹ thực hiện sinh sản bằng phương pháp nhân tạo. Đây là 2 loại cá quý hiếm đang có nguy cơ diệt chủng, vì vậy, việc lai tạo và đưa vào nuôi thử nghiệm các giống cá này trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ hội cho bà con nông dân nâng cao thu nhập, giữ gìn giống cá quý hiếm của địa phương.
Trong thời gian tới, Trung tâm Tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ thủy sản tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố mẹ rầm xanh, anh vũ để thực hiện tốt cho các đợt sinh sản nhân tạo. Tổ chức xây dựng mô hình sản xuất 2 giống cá này và nuôi thử nghiệm thương phẩm để nhân ra diện rộng, góp phần làm đa dạng nguồn cá giống, nhất là những loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nông dân và khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương./.
Đỗ Bình